Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Thương binh – Liệt sỹ
04/07/2023
Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc, theo nghĩa khoan dung văn hóa, cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, thương tật, trong đó có thương binh, gia đình liệt sỹ.
Nội dung công tác thương binh, liệt sỹ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, giúp đỡ thương binh không mang ý nghĩa nhất thời, về lâu dài, cơ bản và quyết định là tạo mọi điều kiện cho họ có khả năng hòa nhập tự nhiên, thích nghi với đời sống cộng đồng, có công cụ để hoạt động phù hợp với khả năng từng đối tượng, bảo đảm cuộc sống cho họ và gia đình.
Ngoài những việc làm nghĩa cử của bản thân, đối với thương binh, liệt sĩ, Người nhấn mạnh: Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong thực tiễn, có hiệu quả và thiết thực, toàn Đảng, toàn dân phải vinh danh, ghi nhận công lao to lớn của thương binh, liệt sĩ và làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhiều tổ chức Hội như “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh” được thành lập; nhiều phong trào như “Trần Quốc Toản”, “Đón thương binh về làng” được phát động rộng rãi, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, thắt chặt thêm tình quân dân như “cá với nước”.
Trong Di chúc thiêng liêng của Người, Bác Hồ của chúng ta đã căn dặn biết bao điều hệ trọng về công tác thương binh – liệt sỹ:
“Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, than niên xung phong …), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sỹ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền cùng Hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”1